Đeo khẩu trang nơi công cộng giúp ngăn ngừa Covid-19, bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang thường xuyên và liên tục có thể ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ tự nhiên của da. Da bị kích ứng, nổi mụn ở cằm, quanh miệng và mũi do mồ hôi, bụi bẩn cũng như hơi nóng và hơi ẩm bị giữ lại.
Bác sĩ Lê Minh Châu, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, tình trạng mụn do đeo khẩu trang gây ra còn được gọi là “maskne”, dùng để chỉ những tổn thương do mụn hình thành trên da ở những vùng da thường bịt kín. Trong thời kỳ đại dịch, tình trạng da này rất phổ biến trong khi quy định đeo khẩu trang ở mọi nơi. Vậy làm thế nào để vừa đeo khẩu trang bảo vệ sực khỏe, vừa phòng ngừa mụn khi đeo khẩu trang, hãy tham khảo bài viết sau đây nhé.
Vì sao đeo khẩu trang gây mụn?
Cơ chế hình thành mụn xuất phát từ ma sát. Da bị kích ứng, lỗ chân lông bị bít kín, bã nhờn và vi khuẩn sinh sôi dưới da. Những gì bạn nhận thấy là những nốt mụn đầu trắng nhỏ xíu. Chứ không phải là những nốt mụn viêm, sưng và đau (loại mụn này chủ yếu do hormone). Có thể kết luận, các nốt mụn xuất hiện do da bị “nghẹt thở” hoặc “bị chặn” bởi khẩu trang. Rất nhiều người nghĩ về nó như một sự tắc nghẽn vật lý.
Vùng da mụn xuất hiện?
Những đốm mụn sẽ xuất hiện tại khu vực bạn thở: Trên miệng, dọc theo cằm, qua sống mũi và má. Đây cũng là khu vực liên tục tiếp xúc với khẩu trang. Thêm nữa, khẩu trang vải cũng có thể gây mụn nếu bạn không giặt thường xuyên. Bụi bẩn và vi khuẩn tích tụ trong vải khiến tình trạng mụn càng tồi tệ.
Cách khắc phục khi bị mụn do đeo khẩu trang
Đầu tiên, bạn hãy thử một loại khẩu trang chất liệu mới, tạo ra ít ma sát nhất có thể. Thông thường, lụa sẽ là chất liệu nhẹ nhàng nhất. Một vài thương hiệu bán khẩu trang lụa có thể giặt được (loại vải mỏng thường không thể giặt bằng máy). Bạn cũng có thể tìm kiếm chất liệu có cảm giác như lụa nhờ độ mịn của nó. Ngoài ra, hãy tăng cường kem dưỡng ẩm. Để giảm bớt độ ma sát khu vực liên tục tiếp xúc với khẩu trang.
Bước tiếp theo, bạn hãy tiến hành các bước “đánh bay” mụn. Bạn có thể sử dụng một số sản phẩm tẩy da chết có thành phần axit salicylic dịu nhẹ. Giúp mụn nhọt sạch nhanh hơn, thậm chí chất này còn có khả năng chống viêm. Ngoài ra, bạn có thể rửa mặt bằng sản phẩm chứa lưu huỳnh, giúp tiêu diệt vi khuẩn mà không gây kích ứng. Lưu ý, bạn nên tránh xa retinol hoặc benzoyl peroxide trong thời gian này. Vì chúng hoạt động mạnh hơn và dữ dội hơn. Đây cũng là thời điểm bạn mạnh dạn thanh lọc các sản phẩm làm đẹp đã hết hạn sử dụng.
Thông thường, nguyên nhân gốc rễ của việc nổi mụn là mất nước. Các chuyên gia khuyên dùng kem cica (một sản phẩm phổ biến ở châu Á có chứa thành phần thực vật làm dịu được gọi là centella asiatica), hoặc chăm sóc da với jojoba, squalene hoặc ceramide để giúp sửa chữa lớp màng tế bào dưới da. Bạn cũng có thể thêm huyết thanh axit hyaluronic để bổ sung lượng hydrat hóa bị mất.
Cách ngăn ngừa mụn khi sử dụng khẩu trang
– Không nên trang điểm đậm dưới lớp khẩu trang. Vì có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông, dẫn đến nổi mụn nhiều hơn. Nếu cần trang điểm, chỉ sử dụng sản phẩm được dán nhãn “không gây mụn”.
– Luôn chọn loại khẩu trang mang lại cảm giác vừa vặn nhưng thoải mái. Đeo khẩu trang quá chật sẽ gây áp lực lên da nhiều hơn và dẫn đến phá vỡ hàng rào bảo vệ da
– Nên thử một chiếc khẩu trang lụa vì có thể giúp giảm ma sát và lướt nhẹ nhàng trên mặt. Tơ cũng có khả năng kháng khuẩn tự nhiên. Cần tránh các loại khẩu trang từ vải tổng hợp như nilon, polyester và rayon ở lớp tiếp xúc với da vì những loại vải này có nhiều khả năng gây kích ứng da và gây mụn.
– Với tình trạng da bị viêm nhiễm, khả năng bị tăng sắc tố sau viêm sẽ cao hơn. Bôi kem chống nắng có thể làm giảm nguy cơ này. Dưỡng môi bằng dầu khoáng trước khi đi ngủ và trước khi đeo khẩu trang. Để ngăn ngừa mụn, chú ý chỉ nên thoa dầu khoáng lên môi.
Nguồn: suckhoedoisong.vn