Kết hôn muộn trở thành một trong những xu thế toàn cầu hiện nay

Kết hôn muộn

Trong những cuộc điều tra thống kê số liệu gần đây, đa số mọi người trên thế giới hiện nay có xu hướng kết hôn rất muộn. Nhiều người còn bày tỏ quan điểm không muốn kết hôn mà chỉ muốn tận hưởng cuộc sống độc thân thoải mái. Thậm chí, có những người sẵn sàng trở thành những ông bố, bà mẹ đơn thân thay vì phải có một mối quan hệ hôn nhân chính thống. Có thể nói, việc kết hôn muộn đang trở thành một xu thế mới trong thời đại hiện đại hoá ngày nay. Vậy do đâu mà mọi người lại mắc phải “triệu chứng lười kết hôn” như thế? Mời bạn đọc theo dõi bài viết sau để khám phá thêm nhiều thông tin thú vị và hữu ích.

Xu hướng kết hôn muộn phổ biến trên thế giới

Trước xu thế đời sống hiện đại, kết hôn muộn hoặc không kết hôn không chỉ là vấn đề được quan tâm tại Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới, khi ngày càng nhiều người có xu hướng thích cuộc sống “độc thân vui vẻ”. Gánh nặng tài chính, muốn tập trung công việc hay đơn giản là đã quen cuộc sống một mình khiến ngày càng nhiều người quyết định kết hôn muộn.

Ở phương Tây

Theo một phân tích dựa trên dữ liệu của Liên Hợp Quốc năm 2013, những chú rể lớn tuổi nhất trên thế giới thường ở Italy, nơi đàn ông kết hôn ở tuổi trung bình là 35. Trong khi đó, phụ nữ Ireland lại kết hôn khá muộn, trung bình vào 32,4 tuổi. Đây cũng là quốc gia có khoảng cách tuổi tác nhỏ nhất giữa nam và nữ. Đa số các chú rể thường lớn hơn cô dâu một tuổi, theo Weforum.

Độ tuổi kết hôn có xu hướng tăng cao

Phân tích trên cũng nhận xét độ tuổi kết hôn trung bình các nước phát triển hơn có xu hướng cao hơn. Tại các nước đang phát triển, người dân kết hôn ở độ tuổi trung bình trẻ hơn. Bên cạnh đó, khoảng cách chênh lệch tuổi tác cũng rộng hơn giữa nam và nữ. Nhìn chung, độ tuổi trung bình kết hôn ngày càng cao tại nhiều nước trên thế giới. Nhiều người 30, 40 tuổi vẫn chưa muốn tìm bạn đời cho mình.

Tại Mỹ, năm 1949, 78,8% số hộ gia đình có các cặp vợ chồng. Thế nhưng 70 năm sau, con số này chỉ còn 48,2%. Theo Cục điều tra dân số Mỹ, năm 1956, người dân có độ tuổi kết hôn trung bình khá trẻ. Đối với nam là 22 tuổi và nữ là 20 tuổi. Tuy nhiên đến năm 2019, mọi người kết hôn ở độ tuổi muộn hơn rất nhiều. Cụ thể là gần 30 đối với nam và 28 đối với nữ. Theo US News, xu hướng kết hôn muộn ở cả hai giới là nguyên nhân gây nên tình trạng này. Bên cạnh đó, số người Mỹ ly dị và góa bụa tăng. Điều này cũng góp phần đáng kể vào số người ở tuổi trưởng thành còn độc thân tại xứ cờ hoa.

Ở châu Á

Tương tự, theo Economist, quan điểm về hôn nhân cũng thay đổi rất nhiều tại các nước châu Á. Đặc biệt là có sự biến chuyển rõ rệt trong thời gian trở lại đây. Theo khảo sát tại Đài Loan (Trung Quốc) năm 2010, có khoảng 37% phụ nữ trong độ tuổi 30-34 tuổi đang độc thân. Đồng thời có 21% nữ giới từ 35-39 tuổi chưa từng kết hôn. Tại Bangkok (Thái Lan), 20% phụ nữ độ tuổi 40-44 cũng còn độc thân. Riêng ở Tokyo (Nhật Bản) là 21% và Singapore là 27%. Tại Trung Quốc, vấn đề dân số già hóa sẽ ngày càng tồi tệ hơn. Đó là khi tỷ lệ sinh con và kết hôn ở quốc gia này đều đang giảm đáng kể. Tới năm 2030, sẽ có khoảng 1/4 dân số nước này ở độ tuổi trên 60.

Dân số Nhật Bản đang già hoá vì người dân không chịu kết hôn

Làn sóng “ngại kết hôn” cũng có xu hướng gia tăng tại Việt Nam. Việc kết hôn muộn dẫn đến nguy cơ già hóa nền dân số. Đồng thời còn ảnh hưởng tới nguồn lao động ở độ tuổi vàng của Việt Nam. Mới đây, chính phủ Việt Nam cũng khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi và sớm sinh con.

Lý giải nguyên nhân của việc kết hôn muộn

Nhiều nghiên cứu chỉ ra thế hệ millennial (những người sinh từ năm 1981 đến 1996) ngày càng không có hứng thú với chuyện hẹn hò, quan hệ tình dục ít hơn và độ tuổi kết hôn lần đầu cũng muộn hơn tất cả thế hệ trước đó. Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn ở những người trẻ hơn. Lý giải cho điều này, điểm chung ở người trưởng thành nhiều nước là gánh nặng kinh tế. Nhiều người muốn theo đuổi con đường học vấn, tập trung phát triển sự nghiệp. Số khác thì rơi vào trường hợp mất niềm tin vào hôn nhân. Trong đó, công việc bận rộn là một trong những nguyên nhân nổi bật.

Nhiều người cho rằng có nhiều thứ phải lo hơn kết hôn. Thế nên họ không đặt nặng vấn đề hôn nhân trong cuộc sống của mình. Khi ở lứa tuổi đầu 20, mới tốt nghiệp đại học, ai nấy đều lao ngay vào cuộc chiến kiếm việc. Mọi người tranh thủ tìm cơ hội ở các công ty lớn, đãi ngộ cao. Lúc 25-26 tuổi, một bộ phận có việc làm tốt thì lại bị cuốn vào vòng xoáy làm việc. Có những người vất vả đến kiệt sức. Họ không có thời gian dành cho việc hẹn hò, kết hôn hay sinh con.

Người trẻ bận rộn công viẹc, không có thời gian yêu đương, kết hôn

Đến khi “đầu 3”, công việc ổn định, nhiều người đã quen với nhịp sống một mình. Do đó, họ muốn thoải mái tận hưởng nhiều thú vui của bản thân khi tài chính dư dả. Điều này thoải mái hơn là việc sẵn sàng cho một “cuộc chiến” mới mang tên “hôn nhân”.

Kết hôn trở thành điều không cần thiết

Ngày càng nhiều người trưởng thành coi việc kết hôn là không cần thiết. Theo cuộc thăm dò ý kiến của một tạp chí tài chính và trang web tuyển dụng, hiện gần 3/4 phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi 20-40 coi việc kết hôn là điều không cần phải lưu tâm.

Tại Trung Quốc, tháng 7/2019, giới trẻ đất nước tỷ dân còn “ném đá” đề xuất giảm ngưỡng tuổi kết hôn. Họ yêu cầu giảm xuống còn 18. Trong khi đó, quy định hiện hành đang là từ 22 đối với nam và tối thiểu 20 đối với nữ. Ông Yi Fuxian – chuyên gia về chính sách Trung Quốc, nhà nghiên cứu tại ĐH Wisconsin-Madison (Mỹ) – cho biết phản ứng như vậy là dễ hiểu. “Người Trung Quốc đã quá quen với việc sinh một con và kết hôn muộn. Bởi vậy, mọi người đang coi tình trạng bất thường đó là bình thường”, ông Fuxian nói.

Nguồn: zingnews.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *