Trong cuộc đời sinh viên, hay cuộc sống xa nhà, việc hoà hợp bạn cùng phòng có lẽ luôn là một trong những vấn đề mà các bạn trẻ quan tâm. Không phải ai cũng có thể sống chung với gia đình, người nhà ở một thành phố xa lạ. Cũng không phải ai cũng tự nhiên mà sống hoà hợp được với bạn cùng phòng. Dù kể cả đó là người bạn quen, bạn thân thì xích mích hay xung đột cũng đều có thể xảy ra nếu bạn không biết các nguyên tắc vàng trong đời sống. Như tự ý dùng điện thoại, vật dụng cá nhân của bạn cùng phòng, hay thiếu sự cảm thông với nhau… Điều đó chỉ khiến cả hai bực bội và dần xa lánh nhau.
Luôn hỏi ý kiến trước khi dùng đồ của bạn
Đây là điều tối cần thiết mà bất kì ai cũng cần chú ý đầu tiên. Bởi lẽ, tất cả mọi người, thậm chí những người dễ tính nhất cũng đề cao quyền sở hữu cá nhân. Không tính đến tường hợp đồ vật bị hư hại, mất mát, chỉ một sự xáo trộn nhẹ. Chưa được đồng ý cũng sẽ dễ gây khó chịu. Nên phải luôn nhớ rằng, một lời xin phép không bao giờ là thừa, bạn nhé!
Không nói khi không cần thiết
Tất nhiên giữ im lặng ở đây không phải là bắt bạn không được nói, không giao tiếp với người chung phòng. Bởi sự thực thì trò chuyện, chia sẻ càng nhiều là cách dễ dàng để “hâm nóng” tình cảm giữa những “roommate” đấy. Tuy nhiên, khi bạn cùng phòng đang học bài, nói chuyện điện thoại, nghỉ ngơi. Hay muốn có khoảng thời gian cho riêng mình. Tốt nhất không nên nói chuyện, mở nhạc lớn hay làm phiền họ. Đó chính là phép lịch sự cơ bản của mỗi người.
Biết chấp nhận sự khác biệt
Bạn phải nhớ rằng, trên thế giới này có hơn 7 tỉ người. Nhưng trong 7 tỉ người đó không có ai hoàn toàn giống nhau cả. Mỗi người sinh ra là một cá thể riêng biệt, với lối sống và cách suy nghĩ khác nhau. Vậy nên, bạn đừng hy vọng người khác có những suy nghĩ, hành động giống bạn. Mỗi người sẽ có những lý lẽ riêng cho cách hành động và cách suy nghĩ của mình. Vậy nên, bạn phải biết chấp nhận sự khác biệt đó.
Khi bạn biết rằng, họ khác với mình, bạn sẽ có cách để chấp nhận những sự khác biệt đó. Và mâu thuẫn sẽ ít xảy ra hơn. Bạn cùng phòng là người cùng ăn, cùng uống, cùng ngủ nghỉ, cùng sinh hoạt với ta. Mà càng tiếp xúc nhiều bạn sẽ càng thấy có nhiều điểm khác biệt. Chính người đó cũng thấy bạn có những điểm khác biệt với họ. Lúc này, để sống hòa thuận với nhau thì cần có sự bao dung cho những khác biệt của nhau.
Luôn ý thức về vệ sinh cá nhân và chung
Phải thừa nhận rằng, khó có thể sinh hoạt và học tập tốt trong một không gian bừa bộn, lộn xộn và thiếu vệ sinh đúng không? Đặc biệt, chỉ cần một thành viên “ở bẩn” thì căn phòng trọ nhỏ xíu cũng dễ trở thành “bãi chiến trường” ngay. Đó chính là lí do mà bản thân mỗi người phải tự ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân. Sắp xếp đồ đạc đúng chỗ và đừng bao giờ làm ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt chung.
Có bảng phân chia công việc dọn dẹp phòng
Nếu bạn còn mơ mộng về những tháng ngày sống chung với gia đình, được ba mẹ chăm sóc từng li từng tí thì hãy mau thức tỉnh đi nào! Công việc nhà thực ra cũng không quá nhiều và phức tạp nên tốt nhất là mọi người đều phải động tay động chân, không nên ưu tiên ai cả trừ những trường hợp đột xuất và một số lý do đặc biệt như sức khỏe không tốt. Các bạn nên có một thời gian biểu phân chia công việc rõ ràng, phù hợp với thời gian của từng thành viên và bắt buộc mọi người thực hiện nghiêm túc.
Tiền nong sòng phẳng, không mập mờ
Bất cứ chuyện gì liên quan đến tiền bạc phải luôn rõ ràng. Có thể không cần quá chi li, so đo những khoản nhỏ xíu. Nhưng tốt nhất là nên sòng phẳng kể cả với những người thân thiết nếu không muốn có mâu thuẫn sau này. Trả tiền đúng hẹn khi mượn hay nhờ bạn bè mua đồ giùm là những điều bạn phải luôn ghi nhớ. Sắm cho cả phòng một cuốn sổ ghi chép chi tiêu chung cũng là một phương pháp hữu hiệu để quản lí chí tiêu chung hợp lí đấy.
Tôn trọng quan điểm cá nhân
Ai cũng có cá tính, sở thích và ý kiến của riêng mình về mọi việc trong cuộc sống. Nếu thực sự tôn trọng bạn sống chung và muốn họ tôn trọng lại mình, tốt nhất là không phán xét, chê bai hay kì thị bất kì suy nghĩ, hành động nào. Nên góp ý chứ không phủ định nếu thấy bạn mình sai và đặc biệt không bao giờ được biến chuyện của bạn chung phòng thành chủ đề bàn tán của người ngoài.
Xây dựng tình bạn bền chặt bằng những buổi đi chơi
Đừng khiến cuộc sống sinh viên của bạn trở thành những chuỗi ngày nhàm chán. Trở về phòng chỉ cắm mặt vào máy tính, smartphone hay ngủ khò. Vào những ngày đặc biệt như sinh nhật, hãy tổ chức một buổi tiệc ăn uống nho nhỏ hay cùng nhau đi xem phim, mua sắm. Đó chính là dịp để từng thành viên được chia sẻ, tâm sự, vui đùa cùng nhau. Cũng là cơ hội để hiểu và thân thiết nhau hơn. Lưu ý là đừng tổ chức quá linh đình, ồn ào để tránh lãng phí và ảnh hưởng đến mọi người xung quanh nhé!
Bạn chung phòng không chỉ đơn giản là người cùng ăn, cùng học, cùng sinh hoạt chung. Họ còn tựa như người thân trong gia đình vậy. Nếu bạn sống hoà hợp, tôn trọng và yêu thương mọi người. Căn phòng trọ bé nhỏ sẽ trở thành điểm tựa cho bạn. Là nơi bạn yên tâm trở về sau một ngày mệt mỏi. Khiến cuộc sống sinh viên trở thành khoảng thời gian rất đáng trân trọng. Có một gia đình nhỏ thứ hai ở mảnh đất thị thành này, tại sao không?
Nguồn: ftunews.com