Sống thử trước hôn nhân chắc hẳn không còn là điều quá xa lạ trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Mặc dù việc sống thử khá phổ biến ở các nước phương Tây nhưng ở Việt Nam, đây là một thách thức dành cho các cặp đôi lẫn gia đình và xã hội. Tuy rằng ngày nay, xã hội Việt Nam đã khá cởi mở không còn đặt nặng vấn đề này như trước kia nhưng vẫn có một số ý kiến trái chiều xoay quanh việc sống thử trước khi cưới của các cặp đôi. Thế nhưng nhìn chung, việc sống thử dần được chấp nhận nhiều hơn và nó vẫn là một trong những xu hướng đón nhận sự quan tâm của nhiều bạn trẻ cũng như các cặp đôi yêu nhau hiện nay.
Thực trạng sống thử trước hôn nhân
Trong những năm gần đây, nhiều cặp vợ chồng bắt đầu băn khoăn về việc có nên sống chung trước hôn nhân hay không. Đây không phải là điều mà những người ở thế hệ trước phải đắn đo suy nghĩ nhiều. Vì trước đó, nó là điều chẳng bao giờ được nhắc tới.
Nếu nói về sống thử trong khoảng thời gian trước năm 2000, câu trả lời của dư luận là sự phản đối gay gắt. Tuy nhiên trải qua một khoảng thời gian thì sự chấp nhận dường như được nâng cao hơn rất nhiều. Qua một số bài nghiên cứu cho thấy tỷ lệ khảo sát giữa người có thái độ phản đối với tỷ lệ người có thái độ đồng ý dứt khoát và người không có ý kiến về vấn đề này ngày càng có xu hướng thiên về phía đồng ý.
Nhìn nhận của xã hội đã cởi mở hơn. Xã hội đã không còn ác cảm với việc sống thử. Thay vào đó, nhiều người đã dần chấp nhận. Nhiều cha mẹ cũng đã tâm sự cởi mở hơn với con về vấn đề này. Thế nên ngày nay, việc sống thử dần trở thành một xu hướng sống của các cặp đôi trước khi cưới.
Ưu điểm của sống thử
Khi sống thử, các bên còn có cơ hội trải nghiệm cuộc sống mới. Cuộc sống này tồn tại một sự ràng buộc nhất định nào đó mà các bên tự ý thức được. Qua đó tạo cơ hội cho xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn.
Chia sẻ gánh nặng tài chính, tạo thói quen tiết kiệm
Hầu hết các cặp đôi yêu nhau lâu năm thường như thể có “hai gia đình”. Họ qua lại hai bên thường xuyên và có những khoảng thời gian như đang sinh sống tại nhà người ấy. Họ giữ quần áo và các vật dụng cá nhân của mình tại đó và có những người dường như ở nhà của người kia nhiều hơn là ở nhà mình. Vì vậy, trong trường hợp đó, sẽ rất hợp lý nếu bạn ngừng trả hai khoản tiền thuê nhà khác nhau, hai hóa đơn điện nước và cáp khác nhau, để cùng nhau trả chung một khoản phí cho một căn nhà.
Đồng thời, khi ở một mình, chúng ta thường quá bận rộn với công việc và cuộc sống, khiến ta không thể thực sự kiểm soát được tài chính cá nhân, tiêu tiền bừa bãi không có kế hoạch. Vì vậy, khi có thêm một người chia sẻ những gánh nặng đó, tài chính của cả hai sẽ được chi tiêu hợp lý hơn.
Giúp chuẩn bị tốt tâm lý trước hôn nhân
Sống với bất kỳ ai đều có thể là một thử thách. Không quan trọng là cha mẹ, anh chị em hay con cái của bạn. Tất cả mọi người đều có khả năng khiến bạn lo lắng. Khi phải sống trong cùng một không gian và thời gian thì nhiều vấn đề có thể xảy ra. Đó chỉ là một thực tế của cuộc sống.
Nhưng khi bạn đang hẹn hò hoặc trong một mối quan hệ lãng mạn nghiêm túc thì sẽ khác. Bạn có thời gian ngắn hơn nhiều để tìm hiểu về thói quen của ai đó. Khi mới hẹn hò, bạn sẽ không nhìn thấy hoặc bỏ qua một số thói quen khó chịu của đối phương. Bạn thậm chí có thể nghĩ rằng những điều đó là dễ thương. Nhưng thời gian trôi qua, những gì bạn nghĩ là ổn đôi khi lại khiến bạn lo lắng. Việc sống thử tránh tình trạng vỡ mộng trước hôn nhân. Bạn sẽ có thời gian suy xét xem liệu mình và đối phương có phù hợp kết hôn hay không.
Vì vậy, hãy tưởng tượng nếu bạn chưa từng sống với nhau trước khi kết hôn. Sau đó khi dọn đến ở chung, bạn đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng xảy ra ngay sau ngày cưới. Bạn có thể nghĩ, “Người này khiến tôi phát điên. Họ không bao giờ dọn dẹp bát đũa sau khi ăn” hay những điều tương tự như vậy. Nếu được sống với nhau trước hôn nhân, bạn sẽ có cơ hội làm quen với cách sống đối phương. Qua đó giúp bạn hiểu rõ hơn về người ấy trước khi xây dựng một gia đình.
Nhược điểm của sống thử
Bên cạnh những ưu điểm trên thì trước khi sống thử cũng cần cân nhắc nhiều vấn đề.
Thiếu sự ủng hộ của người thân dẫn đến gánh nặng
Sẽ thật tệ nếu bạn không có sự hỗ trợ và ủng hộ của gia đình và bạn bè. Điều này có thể ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ của bạn. Bạn và người ấy sẽ liên tục phải lo toan công việc nhà cửa. Cộng thêm gánh nặng thuyết phục người thân chấp nhận quyết định sống chung của hai bạn. Từ bức xúc tới xung đột, mối quan hệ của hai bạn có thể bị đe dọa. Dù thế nào thì những thế lực bên ngoài cũng có thể khiến hai suy nghĩ rất nhiều.
Nếu bạn đã từng có bạn cùng phòng trước đây, thì bạn biết việc sống với một ai đó khác là khá khó khăn. Vì vậy, cần có một hệ thống hỗ trợ tốt. Nếu không, bạn có thể khiến mối quan hệ của mình gặp rủi ro. Vì nó có thể tạo ra những khó khăn mới mà bạn và người ấy chưa giải quyết được.
Không thể tự do chi tiêu thoải mái
Khi bạn độc thân hoặc đơn giản là sống một mình, bạn được quyền tiêu xài thoải mái. Bạn có thể tự do thực hiện những mong muốn của riêng mình. Không ai có thể được ra lệnh cho việc bạn có thể hoặc không thể tiêu tiền của mình vào việc gì. Nhưng khi chuyển đến sống cùng người yêu, điều này sẽ thay đổi. Có thể một trong hai người có xu hướng chi tiêu vào những thứ mình thích. Người còn lại thì luôn có ý tiết kiệm tuyệt đối. Những việc này, nếu không có sự thống nhất trước, rất dễ dẫn đến xung đột. Từ đó gây ra những trận tranh cãi kéo dài và làm tổn thương mối quan hệ.
Cuối cùng, lựa chọn sống chung trước hôn nhân hay không hoàn toàn phụ thuộc vào hai bạn. Không có câu trả lời rõ ràng đúng hay sai trong vấn đề này. Đây là quyết định của người trong cuộc. Vì vậy, chỉ cần đảm bảo rằng bạn và người ấy đã có những cuộc trò chuyện nghiêm túc về nó. Đồng thời cả hai đều thống nhất về việc sống chung. Như thế thì mọi vấn đề phía trước cũng sẽ được giải quyết thôi.
Nguồn: vov.vn