“Untact” – Xu hướng sống mới ở Hàn Quốc “bỏ rơi” người cao tuổi

Xu hướng "Untact" ở Hàn "bỏ rơi" người già

“Untact” là một xu hướng sống mới khá phổ biến trong thời gian gần đây ở xứ sở Kim Chi. Dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân Hàn Quốc hạn chế việc gặp gỡ tiếp xúc trực tiếp. Thay vào đó, họ giải quyết các nhu cầu thiết yếu hàng ngày từ ăn uống đến giải trí, giao lưu trò chuyện chủ yếu bằng các thiết bị công nghệ. Xu hướng này dần trở nên thịnh hành bởi sự an toàn, tiện lợi mà nó mang lại. Mặc dù có nhiều ưu điểm, lối sống “Untact” vẫn tồn tại vấn đề bất cập. Đó là việc người cao tuổi ở Hàn Quốc hoàn toàn không thích ứng được xu hướng sống này và họ cảm thấy mình bị “bỏ rơi” trong tình hình cuộc sống hiện nay. Hãy cùng tìm hiểu xem xu hướng “Untact” là gì nhé!

Xu hướng “Untact” là gì?

Kể từ khi Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, Hàn Quốc đã trở thành ví dụ điển hình cho việc sử dụng công nghệ hiện đại để chống dịch. Chỉ với một chiếc smartphone và vài ứng dụng điện thoại, chính phủ và người dân có thể thực hiện giãn cách xã hội hiệu quả mà không làm xáo trộn cuộc sống thường ngày.

Người Hàn gọi xu hướng trên là “Untact” (tạm dịch: Không kết nối). Cụm từ này là sự kết hợp giữa tiền tố “un” (không, phủ định) và từ “contact” (tiếp xúc, liên hệ). Thuật ngữ này chỉ các hoạt động sử dụng công nghệ thay vì tiếp xúc trực tiếp giữa con người với con người. Một số hình thức “Untact” phát triển ở nước này là những cửa hàng tự phục vụ, thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến.

Người dân sử dụng thiết bị công nghệ thay vì tiếp xúc trực tiếp

Sự xuất hiện và phổ biến của xu hướng “không kết nối” đã giúp Hàn Quốc giải quyết nhiều bài toán xã hội trước mắt, điển hình là vấn đề già hóa dân số, suy giảm tỷ lệ sinh và thiếu hụt lao động. Sau khi đại dịch bùng phát, thuật ngữ này đã trở thành biện pháp phòng, chống dịch bệnh trọng yếu của chính phủ.

Thậm chí, Tổng thống Moon Jae-in gần đây còn tuyên bố chính sách mới nhằm thúc đẩy nền kinh tế Untact, hướng đến các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe trực tuyến, không gian ảo và hỗ trợ “thương mại điện tử hóa” cho doanh nghiệp nhỏ. “Untact” trở thành biện pháp hàng đầu trong chiến lược chống dịch của Hàn Quốc.

Người trẻ xứ Hàn dễ thích nghi xu hướng Untact

Lee Ye-rin (32 tuổi) là một nhân viên văn phòng tại Seoul. Như hàng triệu người trên thế giới lúc này, cô đã dành phần lớn thời gian ở nhà suốt vài tháng qua để chống dịch. Thay vì đến các nơi công cộng như công ty, phòng gym hay nhà hàng, cô chuyển sang làm việc, tập thể dục và nấu ăn tại nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác.

“Tôi hiếm khi ăn ngoài trong thời gian này. Tôi thường gọi đồ ăn qua ứng dụng, kể cả các món ăn vặt như kem. Thỉnh thoảng tôi cũng đặt nguyên liệu tươi về tự nấu”, Lee Ye-rin chia sẻ. Với cô Lee và phần đông người dân Hàn Quốc điều này hoàn toàn quen thuộc. Công nghệ hiện đại đã trở thành một phần thiết yếu trong giai đoạn “bình thường mới” ngày nay. Thế nhưng ít ai ngờ được rằng lối sống này đã phổ biến ở xứ kim chi từ năm 2017, trước khi Covid-19 xuất hiện. Với người trẻ xứ Hàn, sử dụng smartphone để nhận hướng dẫn phòng, chống dịch Covid là chuyện “dễ như ăn bánh”.

Người cao tuổi lạc lõng giữa xu hướng “Untact”

Người trẻ Hàn Quốc dễ dàng thích nghi với sự hiện diện của công nghệ thông minh. Họ xem đó là một điều bình thường trong cuộc sống “bình thường mới”. Song với nhiều người già nước này, điều này lại “khó như lên trời”. Phần lớn người dân xứ Hàn nhanh chóng thích ứng với cuộc sống “không kết nối” thời Covid. Bên cạnh đó vẫn tồn tại một bộ phận không nhỏ người già ở nước này lại ngược lại. Họ rơi vào trạng thái lạc lõng, bị bỏ rơi. Nguyên nhân là vì không thể sử dụng những tiện ích công nghệ hiện đại. Khoảng cách về trình độ sử dụng công nghệ giữa người trẻ và người già tại Hàn Quốc đang có xu hướng tăng sau dịch.

Khôngcông nghệ khiến người già trở nên "lạc lõng" trong xu hướng "Untact"

Theo khảo sát của Tổ chức Thông tin Xã hội Quốc gia Hàn Quốc (NIA), chỉ khoảng 30% người trên 60 tuổi biết cách sử dụng ứng dụng điện thoại. Trong khi đó, con số này ở nhóm 10-29 tuổi là 99,9% và nhóm 30-39 tuổi là 100%. Hầu hết người già xứ Hàn chỉ dùng điện thoại nhằm mục đích nghe – gọi và xem giờ. Họ thường không sử dụng các dịch vụ tiện ích như thanh toán trực tuyến hay thương mại điện tử.

Ngoài ra, khảo sát cũng chỉ ra rằng dù tỷ lệ tiếp cận các thiết bị công nghệ của nhóm người cao tuổi, người khuyết tật và người có thu nhập thấp ở nước này là 97,1%, song vẫn còn rất nhiều người không hoặc hiếm dùng Internet. Và như một hệ quả tất yếu, khi lối sống “không tiếp xúc” lên ngôi trong mùa dịch, khoảng cách thế hệ giữa người trẻ và người già lại càng thêm xa.

Không biết sử dụng công nghệ

Ví dụ, khi khủng hoảng khẩu trang xuất hiện ở giai đoạn đầu của đại dịch, Hàn Quốc đã lập tức phát triển nhiều ứng dụng điện thoại cập nhật địa điểm bán, tình trạng tồn hàng để tránh tình trạng người dân đổ xô đến các cửa hàng. Tuy nhiên với những người cao tuổi thì lại khác. Cách duy nhất để mua khẩu trang là trực tiếp tới các điểm bán lân cận. Bởi đa phần họ không biết cách tải và sử dụng các ứng dụng này. Dù có smartphone, nhiều người cao tuổi nước này vẫn chọn cách xếp hàng. Họ trực tiếp đến trước các hiệu thuốc gần nhà để mua khẩu trang.

Bà Chung Hyang-sook (71 tuổi) và rất nhiều người bạn đồng niên phải xếp hàng nhiều giờ tại hiệu thuốc gần nhà. Song, đôi khi họ vẫn trở về với đôi bàn tay trắng. “Tôi có biết về ứng dụng thông báo điểm bán khẩu trang. Thế nhưng rất khó để người già như tôi sử dụng. Ở tuổi này, thà ra tận nơi xếp hàng. Nó còn nhanh hơn việc lần mò điện thoại”, bà Chung nói.

Theo Park Chang-ho, giáo sư ngành xã hội học tại Đại học Soongsil, khoảng cách giữa các nhóm tuổi trong xã hội Hàn Quốc ngày càng bị kéo dài bởi trình độ sử dụng công nghệ. “Khi mua vé tàu ở ga Seoul, chỉ có người già xếp hàng mua trực tiếp. Nguyên nhân là vì họ không biết cách mua qua mạng. Vấn đề này vốn đã tồn tại trước đó. Thế nhưng đại dịch đã khiến nó trở nên sâu sắc hơn”, Park khẳng định.

Trở nên cô đơn và buồn chán

Người cao tuổi không thể tận dụng hết các tính năng của công nghệ hiện đại. Chính vì thế, họ phải ở trong nhà suốt nhiều tháng trời trong mùa dịch. Họ không có hình thức giải trí hay kết nối cộng đồng nào. Khác với thanh, thiếu niên với những hoạt động tại gia đa dạng. Điển hình như xem Netflix, nghe nhạc, thăm thú triển lãm ảo,… Các cụ ông, cụ bà Hàn Quốc chỉ có thể ở nhà xem TV. Đôi khi thì họ gọi video cho người thân và xem YouTube.

Hình thức giải trí chủ yếu của người già là gặp trực tiếp nhưng giờ phải hạn chế

Ông Choi Byung-wan (79 tuổi) sống một mình tại Seoul nhiều năm nay. Trước khi dịch bùng phát, ông thường sinh hoạt tại trung tâm xã hội dành cho người cao tuổi. Đó là nơi những người đồng niên có dịp trò chuyện, chơi cờ và tập thể dục cùng nhau. Tuy nhiên trong tình hình hiện tại, các trung tâm này đều đã đóng cửa. Các hình thức giải trí của người già xứ Hàn thường chủ yếu là tương tác trực tiếp. Thế nhưng đây là điều cần hạn chế trong mùa dịch. “Tôi cảm thấy như bị mắc kẹt trong nhà suốt nhiều tháng trời. Tôi chẳng biết làm gì ngoài xem TV và gọi video với bạn bè tại trung tâm. Tôi cũng thấy sợ ra ngoài, chỉ dám rời nhà để đi chợ và khám bệnh”, ông Choi tâm sự.

Có thể th, chỉ bộ phận giới trẻ nhanh chóng thích nghi với xu hướng sống mới này. Phần lớn người cao tuổi xứ Hàn lại gặp nhiều khó khăn. Họ còn đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh. Giờ đây phải chịu thêm việc không thể hòa nhập với lối sống “bình thường mới”. Xu hướng sống “Untact” đóng vai trò là “vũ khí” giúp Hàn Quốc đối phó đại dịch. Tuy nhiên, lối sống “không tiếp xúc” thời đại công nghệ cũng có mặt hạn chế. Nó khiến người cao tuổi nước này cảm thấy bị bỏ lại phía sau.

Nguồn: zingnews.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *