Nhận được lòng tốt từ người khác phải cảm ơn và làm sai phải xin lỗi. Đây là những điều tất yếu trong cuộc sống những không phải ai cũng biết. Nói chính xác hơn là không phải ai cũng thực hiện được. Nó chỉ đơn giản là một lời nói, một cử chỉ nhưng lại gây ra rất nhiều khó khăn. Đặc biệt người lớn lại càng khó để nói ra những điều đó. Không phải họ không biết mà họ cảm thấy khó khăn khi làm việc đó. Thậm chí nhiều người còn cho rằng việc đó là không cần thiết phải xin lỗi hay cảm ơn. Tuy nhiên chúng ta phải có văn hóa xin lỗi và cảm ơn đó mới là phép lịch sự cơ bản của con người. Nếu bạn chưa thể làm được thì hãy luyện tập, dần dà điều đó sẽ trở thành điều hiển nhiên.
Lời cảm ơn và xin lỗi bắt đầu từ khi ta còn nhỏ
Cảm ơn và xin lỗi – một thông điệp mang đến nhiều niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống. Trong mối quan hệ xã hội, việc cảm ơn và xin lỗi nhau vốn dĩ là chuyện bình thường, nó là một trong những tiêu chí đánh giá cách ứng xử, văn hóa của mỗi cá nhân.
Từ nhỏ, chúng ta đã được cha mẹ, thầy cô dạy nói lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ của người khác và xin lỗi khi mắc phải sai lầm hay vô tình làm tổn thương ai đó. Nếu không hình thành thói quen nói lời cảm ơn, xin lỗi ngay từ khi còn nhỏ. Thì sau này khi lớn lên sẽ rất khó khăn để nói ra hai từ này một cách chân thành. Chỉ đơn giản với hai từ cảm ơn hay xin lỗi nhưng mọi thắc mắc, mâu thuẫn sẽ được xóa bỏ. Giúp mọi người gần gũi nhau hơn.
Lời cảm ơn hay xin lỗi làm ấm lòng người giúp đỡ
Một lời cảm ơn chân thành luôn làm ấm lòng người đã giúp đỡ. Lời xin lỗi đúng lúc, đúng chỗ là vô cùng cần thiết. Văn hóa này có tồn tại hay không tùy thuộc vào nhiều vấn đề. Các vấn đề như lối sống, giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội. Không nên giáo dục trẻ một cách máy móc theo sách vở mà qua thực tế, làm gương của người lớn. Nếu người lớn có nhận thức đúng và có trách nhiệm trong lời nói. Thì trẻ sẽ học hỏi và làm theo. Đừng nên quan niệm người lớn thì không cần xin lỗi, cảm ơn trẻ nhỏ.
Lời cảm ơn cũng như lời xin lỗi tưởng chừng như đó chỉ là một câu chuyện nhỏ. Nhưng đó là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của con người. Là một vấn đề cần thiết trong giao tiếp hằng ngày mà chúng ta nên gìn giữ. Xin lỗi khi biết mình có lỗi là việc nên làm và điều quan trọng là bản thân có nhận ra lỗi lầm để sửa hay không. Khi giúp đỡ ai đó, điều mà bạn mong nhận được là gì, phải chăng là lời cảm ơn? Vậy thì, tại sao bạn không nói cảm ơn với những người đã giúp đỡ mình.
Đừng quá sáo rỗng
Biết nói và sử dụng lời cảm ơn hay xin lỗi là thể hiện thành ý, sự tôn trọng người khác và tôn trọng bản thân. Những lời cảm ơn khi được sự giúp đỡ, không thể xem là khách sáo. Mà nó là thể hiện tấm lòng của bạn. Thật hạnh phúc khi nghe lời cảm ơn từ một cô bé đánh rơi chiếc mũ mà bạn vừa nhặt giúp, cơn bực tức sẽ nhanh chóng tan biến khi nghe câu xin lỗi từ một cậu bé vừa vội vàng va phải bạn…
Cuộc sống hiện đại dễ cuốn hút chúng ta vào công việc. Nhưng mong rằng bạn đừng bao giờ quên những lời cám ơn và xin lỗi thật chân thành và nồng ấm. Nếu bạn đang nuôi dạy một đưa trẻ nào đó thì hãy dạy cho chúng biết văn hóa xin lỗi và cảm ơn nhé. Trẻ thơ rất dễ dạy, những gì bạn chỉ bảo vậy giờ sẽ là đức tính sau này của chúng. Vì vậy hãy để con mình cũng như mình hoàn thiện hơn nhé.
Nguồn: baoninhthuan.com.vn